Review Phim BẰNG CHỨNG VÔ HÌNH (7/2020)

Đạo diễn : Trịnh Đình Lê Minh

- Điểm cá nhân : 7 / 10 (trừ 1 cho công an tối om, trừ 1 không vừa Quang Tuấn diễn, trừ 1 cho sự phi lý)

- Nội dung ngắn gọn : Cô gái mù tên Thu lên nhầm xe của gã sát nhân biến thái. Trong lúc giằng co với Thu, hắn đụng phải một người phụ nữ và Thu trở thành nhân chứng. Nhưng lời khai của Thu không ai tin. Sự việc càng khó khăn hơn khi một anh chàng nhân chứng khác tên Hải phủ nhận hết lời khai của cô. Cô sẽ làm gì để tên sát nhân lộ diện trước ánh sáng?


__________________________

Diễn giải dài dòng :

Đây là phim thuộc thể loại kịch tính, giật gân (thriller) và một chút trinh thám hình sự. Với những ai đã từng xem phiên bản của Trung Quốc tên Tôi là nhân chứng (do Dương Mịch và Luhan đóng), của Hàn Quốc có tên Nhân chứng mù (do Kim Ha Neul và Yoo Yeung Ho đóng) thì rất dễ rơi vào trường hợp sẽ so sánh giữa các phiên bản với nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta đi xem phim với tâm thế không so sánh, đánh giá khách quan hơn, chúng ta có thể sẽ có một sự khích lệ nhẹ với sự cố gắng của phiên bản Việt trong thể loại này.

Dòng phim remake được Việt Nam áp dụng khá nhiều và cũng đạt được kết quả khả quan khi một số phim có doanh thu cao và được khen ngợi khá tốt. Tuy thế, đó đa phần đều là phim thuộc thể loại tâm lý xã hội, như phim Tháng năm rực rỡ, Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân... Còn thể loại thriller thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều và khó có được nhiều sự đồng thuận của khán giả. Phim Bằng chứng vô hình cũng không ngoại lệ.

Review Phim BẰNG CHỨNG VÔ HÌNH (7/2020)

Tôi đã xem được 3 phiên bản của 3 quốc gia khác nhau bởi vì tôi cực kỳ thích kịch bản phim này. Câu chuyện được bắt đầu với hình ảnh một cô gái khiếm thị là Thu (Phương Anh Đào đóng) sống chỉ với duy nhất một con chó to lớn. Con chó vừa là thú cưng, vừa là bạn, vừa là một người dẫn đường mỗi khi Thu bước ra ngoài.


Câu chuyện sẽ được dẫn từ từ đến quá khứ về cái nguyên nhân tại sao Thu bị mất thị lực và mất đi người em trai duy nhất trong một tai nạn ngoài ý muốn. Người thân duy nhất là người dì cũng chuẩn bị di cư sang nước ngoài sinh sống nên hoàn cảnh của Thu gần như là cô độc. Một buổi tối đêm mưa tầm tã trong ngày đám giỗ của em trai, Thu bước lên nhầm xe của một tên bắt cóc giết người hàng loạt (Quang Tuấn đóng) và chứng kiến một vụ đụng xe... bằng thính giác. Nhờ sự may mắn mà Thu thoát được tên bắt cóc nhưng khi lên đồn công an trình báo thì công an không tin vào lời khai của cô, chỉ vì cô bị mù. Khó khăn hơn nữa là khi nhân chứng thứ 2, một chàng trai trẻ 20 tuổi tên Hải (Otis đóng) lại cho lời khai trái ngược với Thu. Sự mâu thuẫn ban đầu này sẽ được hòa giải bằng cách nào? Liệu rằng với sự trợ giúp của nữ cảnh sát đặc nhiệm - chị Hòa (Ái Phương đóng), gã sát nhân bị phát hiện như thế nào? 


Kịch bản này đặc biệt đòi hỏi kỹ thuật diễn xuất rất cao ở 2 nhân vật Thu và gã tài xế giết người. Nên phim sẽ thành công nhiều hơn nếu diễn xuất của Phương Anh Đào và Quang Tuấn thật sự tròn vai. Một người mù phải diễn sao cho giống với người thật sự bị mù. Và một kẻ biến thái bệnh hoạn phải lột tả được cái vẻ biến thái bệnh hoạn của hắn. Tôi sau khi xem phim này về đã thử lên mạng tìm xem về hàng trăm gương mặt của những kẻ biến thái bệnh hoạn của nhiều nước khác nhau. Đa số những kẻ đó đều có đôi mắt vô hồn, trống rỗng, mắt ti hí, hai bên không đều, tròng trắng mờ đục. Quang Tuấn thì không có đôi mắt giống như thế. Nên tôi có cảm giác Quang Tuấn vẫn chưa diễn tả được hết cái chất bệnh hoạn của kẻ sát nhân biến thái.

Còn Phương Anh Đào thì diễn xuất ổn chứ không đến nỗi đơ như nhiều luồng ý kiến. Một người mù đã mấy năm tự mình làm hết mọi việc trong nhà thành ra làm gì cũng thành thạo nhẹ nhàng, nhiều người tưởng giống như vẫn còn nhìn thấy nhưng thật ra không phải. Tôi còn biết một người khiếm thị dạy tin học cho mọi người chứ đừng nói đến người làm việc trong nhà hay đi ra ngoài đường. Những diễn viên còn lại, tất cả đều khá tròn vai. Ái Phương rất phù hợp với vai nữ cảnh sát can đảm, gan dạ, đương đầu với cái ác để giành lại chính nghĩa.
Có lẽ cái điều gây tranh cãi nhiều nhất là những hạt sạn trong phim, khiến cho những người thích vạch lá tìm sâu, các thánh nhặt sạn dựa vào để cho thêm nhiều điểm trừ. Có những cái sạn nhỏ không đáng kể ra, nhưng cũng có cái hơi phi lý, hơi khập khiễng. Chẳng hạn như câu trước chị cảnh sát nói “không tìm ra được một manh mối nào”, câu sau chị nói “size giày của hắn cỡ 44” Một điều tôi cực kỳ không thích trong phim là dựng cảnh đã quá lạm dụng màu tối, nhà tên sát nhân tối thì không nói, đồn Công an mà ánh đèn leo lét trong bóng tối luôn thì người ngoài nhìn vào không có thiện cảm. Ngoài ra, cái kết không tạo được sự bước ngoặt và cái mới so với phiên cũ trước nên gây chút xíu hụt hẫng. May nhờ có những thước phim xử lý tình cảm lúc phim gần kết thúc đã níu kéo lại được cảm xúc của người xem.


Kịch bản có phần cải tiến hơn so với kịch bản cũ. Nếu như trong phiên bản trước là những nam chính vai cảnh sát điều tra thì phiên bản Việt cho chị Hòa làm nữ cảnh sát điều tra. Một sự nâng cao trình độ và năng lực của phụ nữ thời nay không kém gì so với đàn ông. Do đó kịch bản có phần hợp thời hơn so với phiên bản năm 2011 và 2015. Điểm cộng cho phần cải biên kịch bản.

Đây là một phim remake của Việt Nam hoàn toàn ổn và đáng xem. Lồng vào đó rất nhiều ý nghĩa, bao gồm sự mất mát và chuộc tội, gia đình và sự tin tưởng, lời cảnh báo về những mối quan hệ trên mạng xã hội không an toàn... Nếu như ai chưa từng xem phiên bản cũ thì lại càng nên đi xem và trải nghiệm những cảm xúc lâng lâng mà bộ phim mang lại.
Nguồn: Lin Lin - Review Phim Có Tâm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn