Từ Điển Mal-Mo-E (Mal-Mo-E: The Secret Mission)
Đạo diễn: Eom Yoo-na (엄유나)
Diễn viên: Yoo Hae-jin (trong vai Kim Pan-soo), Yoon Kye-sang (thủ vai Ryoo Jeong-hwan), Kim Hong-pa (với vai Thầy Cho), Woo Hyun (vào vai Im Dong-ik)
Ngày công chiếu: 09/01/2019
Thời lượng: 135 phút
Phim dành cho đối tượng khán giả trên 12 tuổi
Nội dung chính:
“Từ Điển Mal-Mo-E” là bộ phim xoay quanh câu chuyện mô tả Gyengseong tức là Kinh Thành - tên gọi của thủ đô Seoul ngày nay dưới thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng, những năm 1940, khi một số học giả đấu tranh để hồi sinh Tiếng Hàn bằng cách soạn thảo ra một cuốn từ điển.
Lý do phim thu hút sự quan tâm của khán giả:
‘Mal-mo-e’ có nghĩa là gom lại lời nói, là tên gọi của một cuốn từ điển được biên soạn dưới thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc, và cũng là tên gọi của một cuộc vận động để tích lũy, gom tụ ‘tiếng nói’. Trong thực tế, việc biên soạn cuốn từ điển này bắt đầu từ tâm niệm lớn của học giả, thầy giáo Joo Si-gyeong (1876-1914), một học giả ngôn ngữ của Hàn Quốc. Người đi tiên phong trong việc phục hưng, xây dựng hệ thống và nghiên cứu một cách khoa học chữ và lời nói của dân tộc Hàn. Ông cho rằng “Tất cả các cường quốc văn minh đều sử dụng chữ viết của mình”, trong bối cảnh Hàn Quốc bị chiếm đóng bởi thực dân Nhật, để Nhật Bản không thể nào xóa bỏ được tiếng nói và chữ viết của dân tộc Hàn Quốc, ông đã kêu gọi một cuộc vận động để biên soạn ra một cuốn từ điển tiếng Hàn thống nhất từ cách viết ‘biểu ký’ đến quy tắc viết cách. Năm 1911, việc biên soạn từ điển được bắt đầu. Nhưng sự đàn áp của Nhật ngày càng lớn, công việc soạn thảo này bị gián đoạn đến năm 1929, Hiệp hội ngôn ngữ tiếng Hàn ra đời với 108 hội viên, và thành lập ra ban biên soạn tiếng Hàn. Từ đó năm 1933, ‘dự thảo thống nhất cách viết ‘biểu ký’ chữ Hàn’, năm 1936 ‘dự thảo ‘ngôn ngữ chuẩn’ tiếng Hàn’ ra đời. Song trong quá trình này, vai trò của tiếng địa phương được nâng cao bởi ngôn ngữ địa phương cũng là một phần quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Chính vì vậy việc gom lại tiếng địa phương rất cần thiết. Như vậy, trải qua 13 năm quá trình biên soạn từ điển được tiến hành một cách bí mật, từ việc thống nhất ngôn ngữ từ quy tắc chính tả chữ Hàn, các cách biểu hiện sử dụng ở mỗi tiếng địa phương, đến việc thu thập tiếng địa phương từng vùng đã được thể hiện cụ thể trong phim qua các nhân vật như Jeong-hwan, Pan-soo, và các thành viên hội viên trong Hiệp hội ngôn ngữ tiếng Hàn.
Năm 1940 dưới sự đàn áp của thực dân Nhật, để gìn giữ lời nói, nơi chất chứa tinh thần dân tộc, những con người bình dị ấy đã cùng nhau biên soạn nên một cuốn từ điển. Họ không phải là ai khác, không phân biệt giới tính và địa vị xã hội, họ chính là nhà thơ, nhà báo, chủ tiệm sách... tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều chung một tâm niệm rằng phải giữ gìn được lời nói của dân tộc Hàn Quốc. Chính thông điệp này đã làm không ít khán giả đến rạp phải bồi hồi xúc động. Một bộ phim ấm áp và nhẹ nhàng, không bạo lực, mang lại những cảm xúc đan xen trong cả tiếng khóc và tiếng cười. Bộ phim là một câu chuyện vô cùng đẹp đẽ và thuần khiết. Câu chuyện mang đến cho người xem sức truyền cảm của ngôn ngữ lớn lao như thế nào, đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc mình. Từ đó câu chuyện phim cho thấy ngôn ngữ có giá trị cần phải được bảo vệ như thế nào.